Theo các chuyên gia, dù phân phối điểm khối A00 ở khoảng cao năm nay giảm so với năm ngoái, nhưng điểm chuẩn vào các trường tốp trên có xét khối thi này cũng sẽ tương đương năm ngoái. Điểm chuẩn các ngành tốp trên khối B cũng nhiều khả năng sẽ giảm.

Biểu đồ so sánh phổ điểm thi đại học 5 khối thi truyền thống 2021 - 2020

Tiến sĩ Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải, đã so sánh dữ liệu điểm thi năm nay và năm ngoái, từ đó đưa ra một số nhận xét sơ bộ, đồng thời dự đoán khả năng tăng, giảm điểm chuẩn của từng khối ngành.

Khối D1 tăng cao, khối C tăng nhẹ

Theo tiến sĩ Hà, với khối C (tổ hợp văn, sử, địa), từ khoảng điểm 15 - 30, năm 2021 có 522.318 lượt thí sinh (TS) đạt, tăng không nhiều so với năm 2020 (là 479.892). Vì thế, nhiều khả năng các ngành khối này năm 2021 sẽ có điểm chuẩn tăng nhẹ so với năm 2020, mức tăng có thể từ 0,25 - 0,75 điểm.

Khối D1, từ khoảng điểm 15 - 30 số lượng năm 2021 (722.911) tăng nhiều so với năm 2020 (608.918). Vì thế, các ngành tuyển sinh khối này năm 2021 có thể sẽ có điểm chuẩn cao hơn năm 2020, khoảng từ 0,5 - 1,5 điểm; tốp giữa có thể tăng đến 1,5 điểm; tốp đầu tăng 0,5 - 1 điểm.

Các trường tốp trên khối A, B khó tăng điểm chuẩn

Khối A01, từ khoảng điểm 15 - 30 số lượng năm 2021 (316.158) tăng nhiều so với năm 2020 (263.331). Các ngành năm 2021 sẽ có điểm chuẩn cao hơn năm 2020, có thể từ 1 - 1,5 điểm, tốp giữa có thể tăng đến 1,5 điểm, tốp đầu tăng 0,5 - 1 điểm

Khối B01, từ khoảng điểm 15 - 22, số lượng năm 2021 (230.467) tăng khá so với năm 2020 (185.866). Từ khoảng 22,25 điểm cho đến 30, số lượng năm 2021 (80.799) giảm hơn so với năm 2020 (80.815). Vì thế, các ngành khối B năm 2020 từ 22 điểm trở xuống thì năm 2021 sẽ tăng nhẹ từ 0,5 - 1 điểm. Các ngành có điểm chuẩn năm 2020 từ 22 điểm trở lên thì năm 2021 sẽ giữ nguyên, thậm chí có thể giảm khoảng 0,5 điểm.

Khối A, từ khoảng điểm 15 cho đến dưới 22,75 số lượng năm 2021 (202.882), tăng nhiều so với năm 2020 (157.735). Từ khoảng điểm 22,75 - 30, số lượt TS năm 2021 (114.186) giảm hơn so với năm 2020 (115.239). Càng lên mức điểm cao, số lượt TS đạt mức điểm tương ứng càng giảm sâu. Ví dụ, từ 24,25 điểm trở lên, năm nay chỉ còn chưa đến 51.000 TS đạt, trong khi năm ngoái là hơn 60.300 em; mức 26 điểm trở lên, năm nay có 9.306 TS, năm ngoái là 15.974; mức 27 điểm trở lên năm nay là 2.040 TS, năm ngoái là 4.730… Vì thế, các ngành có điểm chuẩn năm 2020 từ 23 điểm trở xuống thì năm 2021 sẽ tăng, thậm chí tăng từ 1 - 2 điểm; còn các ngành có điểm chuẩn năm 2020 từ 23 điểm trở lên thì năm 2021 sẽ giảm, thậm chí giảm từ 0,5 - 1 điểm.

Thí sinh khối A sẽ chịu thiệt

Từ nhiều năm nay, một số trường ĐH áp dụng chính sách 1 mức điểm chuẩn cho 1 ngành, dù ngành đó trường sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển. Điển hình có Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thương mại... Năm nay, các trường này vẫn tiếp tục áp dụng chính sách trên.

PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng với chính sách trên, mặc dù số TS đạt điểm cao khối A năm nay ít hơn năm ngoái, nhưng điểm chuẩn của những trường tốp cao xét tuyển cùng lúc các tổ hợp này có khả năng sẽ tương đương năm ngoái.

PGS Kiên phân tích: “Nếu so sánh phổ điểm năm ngoái với năm nay của khối A01 sẽ thấy, đường đồ thị của năm nay cao vượt lên, đó là vì điểm thi tiếng Anh năm nay kéo tổng điểm chung 3 môn lên. Trong khi đó, nhiều trường khi xác định điểm chuẩn thì không chia theo tổ hợp mà chia theo ngành, căn cứ vào kết quả của TS gồm cả A00 và A01, lấy từ trên xuống đến đủ chỉ tiêu. Vì thế, chắc chắn đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới, ngoài việc điều chỉnh ngành/trường phù hợp với kết quả, sẽ có hàng loạt TS vốn đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp A00 sẽ chuyển sang sử dụng tổ hợp A01 để xét tuyển (trong khi các em có thể vẫn giữ nguyên ngành và trường xét tuyển). Vì thế, cán cân điểm chuẩn vẫn sẽ giữ cân bằng so với năm ngoái, chỉ có điều số TS trúng tuyển bằng A01 tăng còn A00 giảm. Quy luật này chi phối tất cả những trường xét tuyển nhiều tổ hợp mà không chia chỉ tiêu cho từng tổ hợp”.

PGS Kiên còn cho biết, do tổng số TS đạt điểm thi cao của cả 2 khối A00 và A01 của năm nay nhìn chung là nhiều hơn so với năm ngoái, nhất là ở mức khá (23 - 25 điểm), nên trong cuộc điều chỉnh nguyện vọng sắp tới cũng sẽ có sự xáo trộn về nguyện vọng đăng ký vào các ngành. Kể cả khi các TS không điều chỉnh, thì khi được xét trên hệ thống lọc ảo, các TS cũng sẽ chỉ có thể đỗ ở các ngành phù hợp với điểm thi của mình. Do đó, số TS có mức điểm tầm khá sẽ dồn vào một số ngành. Vì thế, với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn các ngành tốp dưới (những ngành năm ngoái có mốc điểm chuẩn khoảng 23 - 23,5 điểm) sẽ tăng; còn điểm chuẩn những ngành tốp trên (khoảng trên dưới 27 điểm trở lên) sẽ ổn định, khó có thể vượt điểm chuẩn năm ngoái.

Nói về điểm chuẩn, PGS Kiên cho biết: “Dự đoán này phù hợp ngay cả trong trường hợp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không tổ chức được kỳ thi đánh giá tư duy, mà phải dồn hết chỉ tiêu sang phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021. Thêm kỳ thi này thì thêm cơ hội cho các TS có kiến thức chắc chắn nhưng không gặp may trong kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng cho dù không gặp may thì nhìn chung các TS cũng phải đạt tầm điểm khá, chứ rất khó có khả năng thi tốt nghiệp THPT đạt điểm trung bình mà thi đánh giá tư duy lại đạt điểm cao”.

Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-duc/diem-chuan-cac-khoi-thi-du-bao-tang-giam-ra-sao-1421723.html